Bón phân qua lá (Foliar feeding)



Bón phân qua lá là gì?

Bón phân qua lá là cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng chỉ riêng qua các phần ở phía trên mặt đất của cây như lá, cuống, hoa, trái… với mục đích nâng cao sự hấp thu dinh dưỡng qua các phần trên không của cây trồng.

Phân bón lá là gì?

Phân bón lá là:
  • Những hợp chất dinh dưỡng bao gồm các chất đa lượng (N, P, K), trung lượng (Ca, Mg, S, Si) và vi lượng (Cu, Zn, Mn, B, Fe, Mo);
  • Được hòa tan trong nước; và
  • Phun lên các phần ở phía trên mặt đất của cây như lá, cuống, hoa, trái… để cây hấp thụ.

Các loại phân bón lá?

Phân bón lá có thể là các loại phân đơn như N, P, K, Cu, Zn,…
Tuy nhiên, phần lớn các loại phân bón qua lá là hỗn hợp các chất dinh dưỡng đa lượng và vi lượng ở dạng hòa tan trong nước.

Tác dụng phân bón lá là gì?

Do được lá cây hấp thu nhanh nên phân bón lá đáp ứng nhanh và kịp thời nhu cầu dinh dưỡng của cây, giúp cây chóng hồi phục khi bị sâu bệnh, bão lụt hoặc đất thiếu dinh dưỡng. Phân bón qua lá làm tăng năng suất, phẩm chất và mẫu mã nông sản.

Hạn chế của phân bón lá là gì?

Bón phân qua lá chỉ là biện pháp bổ sung, không thể thay thế cho bón qua đất. Giống như đối với người, ăn được là chính, còn uống thuốc bổ hoặc truyền dịch dinh dưỡng chỉ là bổ sung và đáp ứng kịp lúc khi cần thiết.

Cần chú ý gì khi sử dụng phân bón lá?

Chung nhất: Không nên sử dụng phân bón lá khi cây đang nở hoa, đất bị khô hạn và trời nắng nóng.

Thời gian: Nên phun buổi sáng, có nắng nhẹ, khoảng 8 đến 10 giờ sáng hoặc chiều mát là tốt nhất vì lúc này khí khổng lá mở nhiều dễ hấp thu phân, trời cũng chưa nắng gắt, nên phun ướt cả mặt dưới lá.

Cách hoà phân: Hòa phân với nước theo đúng nồng độ, liều lượng hướng dẫn trên bao bì. Pha đậm đặc quá dễ bị cháy lá, pha không đúng sẽ giảm hiệu lực của phân. Thời gian và số lần phun cũng phải tuân theo hướng dẫn, không lạm dụng quá mức có thể gây hại cây, hoặc giảm chất lượng nông sản.

Nhu cầu của cây trồng: Cần xem xét cụ thể từng loại phân để sử dụng đúng điều kiện cây trồng, thổ nhưỡng và mục đích. Ví dụ:
Khi cây cần sinh trưởng mạnh thì phun loại phân có hàm lượng N cao như 30-10-10 có chứa thêm chất GA3.

Khi cây cần ra rễ, đẻ nhánh, hình thành mầm hoa, kháng ngộ độc phèn thì phun những loại phân chứa tỷ lệ P cao như: N:P:K 10-60-10, 6-30-30, 15-30-15.

Không nhầm lẫn phân bón lá với chất kích thích sinh trưởng cây trồng vì mỗi loại có tác dụng khác nhau. Trong chất kích thích không có chất dinh dưỡng. Nếu muốn vừa kích thích vừa cung cấp chất dinh dưỡng thì phải dùng loại phân có chất kích thích hoặc pha chung phân bón lá với chất kích thích.

Tại sao cần bón phân qua lá?

  • Khả năng hấp thu của bộ rễ bị giới hạn hoặc bị ngăn cản trong một thời gian, do đó không đủ cung cấp theo nhu cầu của cây. Chẳng hạn, rễ bị tổn thương do bị bệnh hoặc tổn thương cơ học (do xới xáo khi chăm bón làm đứt rễ);
  • Những điều kiện của đất không hữu hảo cho bộ rễ hấp thu dinh dưỡng. Chẳng hạn:
    • Chất dinh dưỡng bị bất động hóa do các vi sinh vật;
    • Bị cố định do môi trường đất và các chất hữu cơ;
    • Sự nhiễm mặn
    • Sự bất cân đối dinh dưỡng trong đất
    • Thiếu oxy (đất quá ướt)
  • Điều kiện thời tiết khiến sự hoạt động của rễ thấp. Nhiệt độ thấp quanh vùng rễ trong thời kì ra hoa và đậu trái. Hạn hán hoặc ẩm độ không khí cao cũng có thể hạn chế sự chuyển vận trong các mạch mao dẫn và ngăn cản sự phân phối các dưỡng chất bất động.
  • Thiếu nước để các chất dinh dưỡng ngấm vào (quá khô)
  • Nhu cầu dinh dưỡng ở đỉnh cao: Trong suốt thời kỳ phát triển nhanh, nhu cầu dinh dưỡng vượt quá khả năng cung cấp mặc dù đất trồng rất màu mỡ.
  • Bón phân qua lá cũng có thể được chỉ định khi nhu cầu tập trung dinh dưỡng vào các vị trí chuyên biệt bên trong cây vượt quá khả năng phối trí dinh dưỡng bên trong cây. Điều này thường xảy ra nhất trong những vùng trọng điểm của các loại trái cây lớn hoặc các chùm đậu và liên quan tới cả hai sự kiện là nhu cầu tập trung cao độ vào một vùng chuyên biệt nhiều nguyên tố trong trái cây như N và K.
  • Khả năng cơ động các nguyên tố bên trong cây cũng có thể bị hạn chế nếu hoa phát triển trước lá và do đó dẫn đến tình trạng hạn chế sự chuyển dịch dinh dưỡng trong các mô mao dẫn.

1 comment:

  1. anh cho em xin tài liệu về các nghiên cứu về phân bón lá ở VN và trên thế giới đc k ạ?

    ReplyDelete